Quy Trình Xử Lý Phạt Nguội: Chi Tiết và Mới Nhất

​Quy trình xử lý phạt nguội đối với vi phạm giao thông tại Việt Nam được quy định chi tiết trong Thông tư 73/2024/TT-BCA, có hiệu lực từ ngày 01/01/2025.

Dưới đây là bốn bước cụ thể:

Quy Trình Xử Lý Phạt Nguội

Bước 1: Phát hiện và thu thập vi phạm

Cảnh sát giao thông sử dụng các thiết bị kỹ thuật như camera giám sát, máy đo tốc độ hoặc nhận thông tin từ các nguồn khác (tổ chức, cá nhân, mạng xã hội) để phát hiện hành vi vi phạm giao thông. Các dữ liệu thu thập bao gồm hình ảnh, video, chỉ số đo… được lưu trữ làm bằng chứng trong hồ sơ vụ việc. ​

 Bước 2: Xác minh thông tin và xác định thẩm quyền xử lý

Trong thời hạn 10 ngày kể từ khi phát hiện hành vi vi phạm qua phương tiện kỹ thuật, cơ quan công an có thẩm quyền sẽ thực hiện các nhiệm vụ sau:

  • Xác định biển số xe, loại phương tiện, thời gian và địa điểm vi phạm sử dụng hình ảnh/video được trích xuất từ hệ thống giám sát (camera giao thông, radar đo tốc độ…).
  • Xác định chủ phương tiện thông qua cơ quan đăng ký xe.
  • Kiểm tra thông tin cư trú của cá nhân hoặc tổ chức đứng tên phương tiện thông qua Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư hoặc Cơ sở dữ liệu quốc gia về doanh nghiệp nếu phương tiện thuộc sở hữu tổ chức.

Nếu người vi phạm không cư trú tại địa phương nơi phát hiện vi phạm, hồ sơ sẽ được chuyển đến Công an cấp xã hoặc huyện nơi người vi phạm cư trú để tiếp tục xử lý. Việc chuyển hồ sơ này phải được ghi nhận rõ ràng và thực hiện theo đúng quy trình trong Thông tư 73/2024/TT-BCA.

Bước 3: Gửi thông báo vi phạm

Sau khi xác định vi phạm, cơ quan Công an sẽ gửi thông báo yêu cầu chủ phương tiện hoặc cá nhân liên quan đến làm việc tại trụ sở cơ quan Công an nơi phát hiện vi phạm hoặc tại địa phương nơi cư trú. Thông báo có thể được gửi qua văn bản hoặc phương thức điện tử thông qua ứng dụng VNeTraffic.

Bước 4: Người vi phạm đến giải quyết

Người vi phạm có trách nhiệm đến cơ quan Công an để giải quyết trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày nhận được thông báo vi phạm. Khi đến làm việc, cơ quan Công an sẽ thực hiện các nội dung sau:

  • Tiến hành xử lý vi phạm theo đúng quy định pháp luật và lập biên bản vi phạm hành chính nếu đủ căn cứ.
  • Cập nhật trạng thái đã xử lý vào cơ sở dữ liệu quốc gia về xử lý vi phạm hành chính.
  • Sau khi người vi phạm đóng phạt đầy đủ, cơ quan công an gỡ bỏ trạng thái cảnh báo của phương tiện vi phạm (nếu đã áp dụng) và gửi thông báo kết quả xử lý cho cơ quan đăng kiểm hoặc cơ quan đăng ký xe để đảm bảo phương tiện được tiếp tục thực hiện các thủ tục cần thiết như kiểm định.

Phân loại theo đơn vị xử lý

Trường hợp 1: Nếu hồ sơ vi phạm được chuyển về Công an xã, phường, thị trấn hoặc Công an cấp huyện, thì đơn vị này sẽ chịu trách nhiệm cập nhật trạng thái xử lý lên hệ thống. Đồng thời, họ cũng phải thông báo lại kết quả xử lý cho cơ quan Công an nơi phát hiện ban đầu, nhằm đảm bảo sự thống nhất thông tin trên toàn hệ thống.

Trường hợp 2: Nếu vụ việc được xử lý trực tiếp tại Cơ quan Công an nơi phát hiện vi phạm, cơ quan này sẽ chịu trách nhiệm toàn diện, bao gồm xử phạt, cập nhật hệ thống và gửi thông báo kết quả cho các đơn vị liên quan, như đăng kiểm và đăng ký phương tiện.

Trường hợp người vi phạm không đến giải quyết

Nếu sau 20 ngày kể từ ngày gửi thông báo mà người vi phạm không đến làm việc, cơ quan Công an sẽ tiến hành các biện pháp cảnh báo phương tiện vi phạm, cụ thể:

  • Đối với ô tô và các phương tiện cần kiểm định định kỳ, thông báo cảnh báo sẽ được gửi đến cơ quan đăng kiểm, từ đó có thể tạm dừng kiểm định cho đến khi vụ việc được giải quyết.
  • Đối với xe mô tô, xe gắn máy, cảnh báo sẽ được chuyển đến Công an xã, phường, thị trấn nơi người vi phạm cư trú, yêu cầu người vi phạm phải đến làm việc và thực hiện nghĩa vụ nộp phạt.

VNeTraffic là gì?

VNeTraffic là ứng dụng chính thức của Bộ Công an Việt Nam, được phát triển nhằm hỗ trợ người dân tra cứu vi phạm giao thông – đặc biệt là phạt nguội – một cách nhanh chóng, minh bạch và tiện lợi.

Ứng dụng này thuộc hệ sinh thái dữ liệu quốc gia về an toàn giao thông và được kết nối trực tiếp với Cục Cảnh sát giao thông (C08) và Cơ sở dữ liệu vi phạm hành chính.

VNeTraffic Dùng Để Làm Gì?

Ứng dụng VNeTraffic cung cấp các tính năng chính sau đây:

  • Tra cứu vi phạm giao thông (phạt nguội)
  • Nhận thông báo xử phạt điện tử, hướng dẫn đến làm việc hoặc nộp phạt
  • Thanh toán tiền phạt online.

Cách dùng VNeTraffic báo vi phạm, tra cứu phạt nguội

Bước 1: Cài đặt ứng dụng VNeTraffic trên điện thoại.

Bước 2: Đăng ký tài khoản hoặc sử dụng tài khoản định danh điện tử để đăng nhập. Sau khi tải về bạn tiến hành đăng ký tài khoản bằng việc quét mã QR trên thẻ Căn cước công dân để xác nhận thông tin và nhận mã xác minh từ ứng dụng gửi đến.

Bước 3: Sử dụng VNeTraffic

Sau khi mở ứng dụng VNeTraffic, bạn sẽ thấy giao diện chính hiển thị nhiều tính năng như: gửi phản ánh vi phạm, xem danh sách phản ánh đã nộp, tra cứu lỗi vi phạm, theo dõi biển số đang được đấu giá, và xem lại lịch sử các lần vi phạm giao thông.

Để kiểm tra xem phương tiện của mình có bị phạt nguội hay không, bạn chỉ cần chọn mục “Tra cứu vi phạm”, sau đó nhập biển số xe vào ô tìm kiếm. Hệ thống sẽ đối chiếu với dữ liệu từ Cục Cảnh sát giao thông và hiển thị kết quả vi phạm nếu có.

Vì Sao Có Giấy Phạt Nguội Nhưng Tra Cứu Không Thấy?

Theo quy định tại Thông tư 73/2024/TT-BCA, sau khi phát hiện hành vi vi phạm qua thiết bị kỹ thuật (như camera giám sát), cơ quan Công an có thẩm quyền sẽ tiến hành xác minh và xử lý vi phạm trong thời hạn 10 ngày. Trong khoảng thời gian này, cơ quan chức năng sẽ lập hồ sơ và gửi giấy thông báo vi phạm đến chủ phương tiện, việc này có thể thực hiện qua văn bản giấy hoặc qua ứng dụng VNeTraffic.

Tuy nhiên, thời gian từ lúc vi phạm đến khi có thể tra cứu thông tin phạt nguội trên hệ thống thường có độ trễ từ 10 đến 15 ngày, thậm chí lâu hơn trong một số trường hợp. Do độ trễ này, việc có giấy mà chưa tra cứu thấy phạt nguội là hoàn toàn bình thường.

Một số bài đăng trên Facebook cũng phản ánh tình trạng tương tự, khi người dùng cho biết họ đã vi phạm khá lâu nhưng vẫn chưa thấy thông tin hiển thị trên hệ thống tra cứu, khiến nhiều người hoang mang không biết có thực sự bị phạt hay không.

Theo thông tin từ Cục Cảnh sát giao thông được đăng tải trên báo chí, có một số lý do phổ biến khiến người dân không thấy kết quả khi tra cứu phạt nguội, cụ thể như sau:

  • Trường hợp thứ nhất: Nếu hành vi vi phạm mới xảy ra và chưa đủ 7 ngày, thì dữ liệu có thể chưa được đồng bộ hoặc cập nhật lên hệ thống tra cứu. Trong giai đoạn này, người vi phạm sẽ chưa thấy thông tin trên các nền tảng tra cứu chính thức.
  • Trường hợp thứ hai: Trong một số thời điểm cao điểm, khi có quá nhiều người cùng truy cập vào hệ thống tra cứu phạt nguội, hệ thống có thể bị quá tải hoặc phản hồi chậm, dẫn đến việc không hiển thị được kết quả. Người dùng được khuyến nghị nên thử lại vào thời điểm khác trong ngày.
  • Trường hợp thứ ba: Người dân sử dụng nguồn tra cứu không chính xác. Hiện tại, chỉ nên tra cứu trên các kênh chính thức như trang web của Cục Cảnh sát giao thông (csgt.vn) hoặc ứng dụng VNeTraffic. Những website hoặc ứng dụng không rõ nguồn gốc có thể không cập nhật đầy đủ và đúng dữ liệu từ Bộ Công an.

Phạt Nguội Có Cần Chủ Xe Không

Theo Khoản 8 Điều 80 của Nghị định 100/2019/NĐ-CP, trong những trường hợp vi phạm giao thông được ghi nhận qua thiết bị giám sát (như camera), nhưng lực lượng chức năng không thể dừng xe tại chỗ để xử lý, thì cơ quan chức năng sẽ gửi thông báo yêu cầu chủ phương tiện hoặc các cá nhân, tổ chức liên quan đến làm việc trực tiếp tại trụ sở.

Trong tình huống này, chủ phương tiện có trách nhiệm phối hợp với lực lượng chức năng để xác định ai là người điều khiển xe tại thời điểm vi phạm.

  • Nếu chủ xe là cá nhân, nhưng không hợp tác, không chứng minh được mình không liên quan đến hành vi vi phạm, thì sẽ bị xử phạt như chính người trực tiếp vi phạm.
  • Nếu chủ xe là tổ chức (như công ty cho thuê xe), và cũng không xác định được người lái, thì sẽ bị phạt gấp đôi mức phạt tiền thông thường áp dụng cho hành vi vi phạm đó (nhưng không vượt mức phạt tối đa theo quy định). Trường hợp ngoại lệ là xe bị chiếm đoạt hoặc sử dụng trái phép, thì chủ phương tiện sẽ được miễn trách nhiệm.

Tóm lại nếu bạn cho mượn xe, và phương tiện đó bị “phạt nguội”, thì chính bạn – người đứng tên xe – sẽ là người đầu tiên được mời lên làm việc. Nếu bạn không thể xác minh ai là người điều khiển, thì bạn có thể bị xử phạt thay. Tuy nhiên, nếu xác minh được người trực tiếp điều khiển phương tiện, thì chính người đó mới là người phải chịu trách nhiệm nộp phạt, không phải chủ xe.

Tài xế hay công ty sẽ nộp phạt khi xe doanh nghiệp vi phạm 

Khi phương tiện thuộc sở hữu doanh nghiệp bị phạt nguội, chủ sở hữu xe theo pháp lý vẫn là công ty, và sẽ là đơn vị chịu trách nhiệm chính. Tuy nhiên, công ty không bắt buộc phải cử người đại diện pháp luật đi trực tiếp, mà có thể ủy quyền cho tài xế hoặc nhân viên khác làm việc với cơ quan Công an.

Việc ủy quyền này là hoàn toàn hợp pháp, được quy định tại Điều 135 Bộ luật Dân sự 2015 về đại diện theo ủy quyền, cho phép cá nhân hoặc tổ chức được quyền thay mặt bên ủy quyền thực hiện nghĩa vụ pháp lý. Đồng thời, theo Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 (sửa đổi 2020), cá nhân, tổ chức bị xử phạt cũng có thể ủy quyền hợp pháp cho người khác đến nộp phạt thay.

 Trường hợp 1: Tài xế của công ty đi nộp phạt thay
Nếu công ty cử chính người điều khiển phương tiện đi làm việc, người này cần chuẩn bị:

  • Giấy ủy quyền từ công ty, có chữ ký người đại diện pháp luật và đóng dấu tròn;
  • Giấy tờ tùy thân như CCCD và giấy phép lái xe;
  • Thông báo vi phạm, giấy tờ xe, và các giấy tờ liên quan (đăng kiểm, bảo hiểm…).

 Trường hợp 2: Nhân viên khác của công ty được cử đi
Nếu không phải tài xế vi phạm mà là một nhân viên khác của công ty đi thay, người này vẫn cần:

  • Giấy ủy quyền hợp lệ từ công ty;
  • Giấy giấy phép lái xe của người vi phạm, căn cước công dân của người vi phạm (với mỗi loại giấy tờ photo 01 bản);

Trong cả hai trường hợp, giấy ủy quyền cần tuân thủ đúng quy định pháp luật, và có thể cần công chứng nếu được yêu cầu. Nếu công ty không xác minh được người điều khiển phương tiện tại thời điểm vi phạm, công ty sẽ phải chịu trách nhiệm nộp phạt theo đúng mức xử phạt dành cho tổ chức.

Phạt Nguội Có Giam Bằng Lái Không

Có phải lỗi nhẹ cũng bị giữ bằng lái?

Đây là điểm khiến nhiều người nhầm lẫn. Với các lỗi như dừng/đỗ sai quy định, mặc dù không nằm trong danh sách các hành vi bị tước bằng lái theo quy định pháp luật, nhưng người vi phạm vẫn có thể bị giữ bằng lái tạm thời. Vì sao?

Theo Khoản 6 Điều 125 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012, quy định như sau:

Trong trường hợp chỉ áp dụng hình thức phạt tiền đối với cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính thì người có thẩm quyền xử phạt có quyền tạm giữ một trong các loại giấy tờ theo thứ tự: giấy phép lái xe hoặc giấy phép lưu hành phương tiện hoặc giấy tờ cần thiết khác có liên quan đến tang vật, phương tiện cho đến khi cá nhân, tổ chức đó chấp hành xong quyết định xử phạt…

Tức là: Nếu bạn bị CSGT lập biên bản và không nộp phạt tại chỗ, hoặc hẹn ngày quay lại làm việc, thì lực lượng chức năng có thể giữ bằng lái của bạn như một biện pháp đảm bảo. Đây không phải là tước bằng, mà là tạm giữ giấy tờ để buộc bạn phải quay lại nộp phạt, đảm bảo thực hiện đầy đủ nghĩa vụ hành chính. Sau khi nộp phạt đúng quy trình, bằng lái sẽ được trả lại.

Trong thời gian bị tạm giữ giấy phép lái xe, người vi phạm vẫn được phép điều khiển phương tiện tham gia giao thông, vì chưa bị áp dụng hình thức tước quyền sử dụng GPLX. Khi giữ bằng, cơ quan Công an sẽ cấp cho người vi phạm một giấy hẹn hoặc biên nhận tạm giữ giấy phép, ghi rõ thời hạn giải quyết và lý do giữ giấy tờ. Đây là căn cứ hợp pháp để người vi phạm sử dụng thay thế bằng lái trong thời gian chờ xử lý. Việc tạm giữ này là biện pháp hành chính nhằm đảm bảo người vi phạm chấp hành quyết định xử phạt, không phải là hình phạt bổ sung.

Trường hợp nào phạt nguội bị tước bằng lái thật sự?

Không phải tất cả các lỗi giao thông bị phạt nguội đều dẫn đến việc tước hoặc giữ giấy phép lái xe (GPLX). Tuy nhiên, nếu hành vi vi phạm thuộc nhóm nghiêm trọng, thì theo quy định tại Nghị định 100/2019/NĐ-CP (và sửa đổi bổ sung bởi Nghị định 123/2021168/2024), người vi phạm có thể bị xử phạt bổ sung bằng hình thức tước GPLX từ một đến vài tháng.

Một số lỗi phạt nguội có thể bị tước bằng lái gồm:

  • Vượt đèn đỏ
  • Chạy quá tốc độ quy định
  • Đi ngược chiều
  • Lái xe sai làn trên cao tốc
  • Sử dụng điện thoại khi đang điều khiển ô tô

Trong các trường hợp vi phạm nghiêm trọng được ghi nhận qua hệ thống giám sát và được cơ quan Công an xác minh là chính xác, người vi phạm sẽ nhận thông báo mời đến làm việc để giải quyết vụ việc. Sau khi lập biên bản và ra quyết định xử phạt hành chính, nếu hành vi thuộc nhóm vi phạm nghiêm trọng theo quy định tại Nghị định 100/2019/NĐ-CP (và các nghị định sửa đổi), người vi phạm sẽ bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là tước quyền sử dụng giấy phép lái xe (GPLX) trong thời gian nhất định, thường là từ 1 đến 4 tháng, tùy theo mức độ và tính chất vi phạm.

Khi bị tước bằng, cơ quan Công an sẽ thu giữ GPLX và cấp giấy hẹn trả lại sau khi hết thời gian bị tước. Trong suốt thời gian này, người vi phạm không được phép điều khiển phương tiện giao thông, vì việc tước GPLX đồng nghĩa với việc mất quyền hợp pháp sử dụng bằng lái. Nếu vẫn tiếp tục điều khiển phương tiện trong thời gian bị tước bằng, người đó sẽ bị xử phạt nặng hơn, có thể bị lập biên bản lỗi “lái xe không có GPLX hợp lệ”, và thậm chí có thể bị tạm giữ phương tiện theo quy định.

Sau Bao Lâu Kể Từ Khi Vi Phạm Thì Có Phạt Nguội?

Theo quy định tại Thông tư 73/2024/TT-BCA, trong vòng 10 ngày làm việc kể từ khi phát hiện vi phạm, cơ quan Công an có thẩm quyền sẽ tiến hành xác minh thông tin phương tiện và chủ phương tiện, sau đó gửi thông báo mời cá nhân liên quan đến trụ sở để giải quyết vụ việc. 

Trong khoảng thời gian này, thông tin vi phạm sẽ được cập nhật lên hệ thống tra cứu phạt nguội như trang web của Cục Cảnh sát giao thông hoặc ứng dụng VNeTraffic. Thông thường, người vi phạm có thể tra cứu được lỗi của mình trong vòng 3 đến 10 ngày làm việc (không tính thứ bảy, chủ nhật và ngày lễ) hoặc có thể lâu hơn (hơn một tháng) kể từ thời điểm vi phạm. 

Tuy nhiên, thực tế có thể chậm hơn tùy theo tốc độ xử lý và cập nhật của từng địa phương. Vì vậy, người dân nên chủ động tra cứu thường xuyên để sớm phát hiện và giải quyết kịp thời, tránh bị cảnh báo phương tiện hoặc bị tạm dừng đăng kiểm.

Đáng chú ý, không phải lúc nào người vi phạm cũng nhận được thông báo phạt nguội, dù đã có lỗi. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc này như: địa chỉ đăng ký xe không còn chính xác, thông báo bị thất lạc qua đường bưu điện, dữ liệu chưa được đồng bộ, hoặc người dân không biết cách tra cứu qua các kênh chính thức. 

Do đó, việc chủ động tra cứu định kỳ là rất cần thiết để kịp thời phát hiện vi phạm, tránh để lỗi bị “treo” mà không hay biết, từ đó phát sinh cảnh báo phương tiện hoặc bị tạm dừng đăng kiểm về sau.

Cách Nộp Phạt Nguội

Người dân chủ động tra cứu phạt nguội trên trang thông tin điện tử Cục CSGT tại địa chỉ https://www.csgt.vn để biết thông tin xe mình có vi phạm hay không.

1. Nộp phạt qua Kho bạc Nhà nước hoặc ngân hàng

Người vi phạm có thể nộp tiền phạt trực tiếp tại Kho bạc Nhà nước hoặc ngân hàng thương mại nơi Kho bạc mở tài khoản. Thông tin chi tiết về tài khoản và địa điểm nộp phạt sẽ được ghi rõ trong quyết định xử phạt.

2. Nộp phạt thông qua dịch vụ bưu chính công ích

Người vi phạm có thể đăng ký nộp phạt qua dịch vụ bưu chính công ích bằng cách ghi rõ ý định này vào mặt sau của biên bản vi phạm và đến bưu điện gần nhất để thực hiện. Nhân viên bưu điện sẽ hướng dẫn các bước cần thiết và chuyển tiền đến cơ quan có thẩm quyền xử phạt

3. Nộp phạt trực tuyến (online)

Bước 1: Người vi phạm có thể truy cập vào https://dichvucong.gov.vn, sau đó chọn Thanh Toán Trực Tuyến.

Bước 2: Sau đó chọn Nộp phạt xử lý vi phạm hành chính

Bước 3: Chọn Tra cứu, thanh toán vi phạm giao thông

Bước 4: Điền thông tin và chọn Tra Cứu

Có Thể Xin Xóa Hoặc Khiếu Nại Phạt Nguội Không? Hướng Dẫn Khiếu Nại

Nếu bạn kiểm tra và phát hiện xe mình bị ghi nhận lỗi phạt nguội, nhưng cho rằng lỗi đó không chính xác hoặc xảy ra do hoàn cảnh đặc biệt, bạn hoàn toàn có thể làm đơn khiếu nại hoặc đề nghị xóa lỗi, miễn là có lý do hợp lệ và đầy đủ căn cứ chứng minh. Dưới đây là những trường hợp thường được cơ quan chức năng xem xét xóa lỗi phạt nguội:

  • Nhường đường cho xe ưu tiên: Nếu bạn vượt đèn đỏ để nhường xe cứu thương, cứu hỏa, công an… và có bằng chứng rõ ràng, bạn có thể đề nghị cơ quan chức năng xem xét.
  • Lỗi do đèn giao thông hỏng hoặc chuyển quá nhanh khiến bạn không kịp phản ứng.
  • Xe bị đánh cắp hoặc sử dụng trái phép gây ra vi phạm – cần có xác nhận từ cơ quan công an.
  • Tình huống bất khả kháng hoặc khẩn cấp: Như đang chở người đi cấp cứu, xe hỏng giữa đường, tránh tai nạn…
  • Có nhầm lẫn hoặc sai sót hệ thống: Trường hợp trùng biển số, nhầm loại xe, sai thông tin biển số hoặc người vi phạm.
  • Không nhận được thông báo và lỗi đã quá 1 năm (do chuyển nơi ở, xe chưa sang tên đổi chủ, đi nước ngoài thời gian dài, điều trị bệnh, bị giam giữ… ) Nếu xác minh đúng, có minh chứng rõ ràng và vi phạm đã quá thời hạn xử lý, có thể sẽ được xoá lỗi phạt nguội. (theo Điều 74 Luật XLVPHC 2012, sửa đổi 2020).

Trong các trường hợp này, bạn có thể gửi đơn khiếu nại đến cơ quan chức năng theo quy định tại Luật Khiếu nại 2011. Dưới đây là hướng dẫn chi tiết các bước cần thực hiện:

Bước 1: Chuẩn bị đơn khiếu nại

  • Soạn đơn khiếu nại hoặc đơn giải trình ghi rõ:
    • Thông tin cá nhân (họ tên, địa chỉ, số CCCD/CMND, số điện thoại)
    • Thông tin phương tiện (biển số xe, loại xe)
    • Ngày, giờ, địa điểm vi phạm được ghi nhận
    • Nội dung khiếu nại: Nêu rõ lý do cho rằng lỗi không chính xác hoặc do hoàn cảnh đặc biệt
    • Yêu cầu được xác minh lại và xử lý theo đúng thực tế
  • Kèm theo tài liệu chứng minh, ví dụ:
    • Ảnh, video từ camera hành trình
    • Giấy xác nhận xe đã bán, bị mất cắp, bị mượn
    • Giấy ra viện, công tác, giấy chứng minh tình huống khẩn cấp…

Bước 2: Gửi đơn đến cơ quan có thẩm quyền

Gửi đơn đến cơ quan công an đã ra quyết định xử phạt hoặc nơi phát hiện vi phạm (địa chỉ thường ghi trên thông báo vi phạm).

Có thể gửi:

  • Trực tiếp tại trụ sở
  • Qua đường bưu điện (kèm bản sao giấy tờ)

Bước 3: Theo dõi và nhận phản hồi

  • Cơ quan chức năng sẽ xem xét hồ sơ, xác minh lại tình huống và trả lời bằng văn bản trong thời hạn 30 ngày (hoặc 45 ngày nếu phức tạp).
  • Trong thời gian chờ xử lý, lỗi vẫn được giữ trên hệ thống.

Bước 4: Khiếu nại lần hai (nếu cần)

Nếu không đồng ý với kết quả giải quyết lần đầu, bạn có thể:

  • Gửi khiếu nại lần hai đến cấp trên trực tiếp của người đã giải quyết lần đầu
  • Khởi kiện ra Tòa án nhân dân có thẩm quyền theo trình tự tố tụng hành chính

Tuy nhiên, không phải lỗi phạt nguội nào cũng được xóa. Việc xét xóa hay không phụ thuộc vào tính chính xác của các minh chứng, lý do hợp lệ, và mức độ phối hợp của người vi phạm với cơ quan chức năng.

Thời Hạn Xử Lý Phạt Nguội Là Bao Lâu? Phạt Nguội Có Xoá Sau 1 Năm Không?

1. Thời Hạn Xử Lý Phạt Nguội Là Bao Lâu?

Theo quy định tại Điều 74 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 (sửa đổi, bổ sung năm 2020), thời hiệu để thi hành một quyết định xử phạt vi phạm hành chính là 1 năm, được tính từ ngày ra quyết định xử phạt, không phải từ thời điểm người đó vi phạm. 

Điều 74. Thời hiệu thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính

Khoản 1:

Thời hiệu thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính là 01 năm, kể từ ngày ra quyết định. Quá thời hạn này thì không thi hành quyết định đó nữa, trừ trường hợp quyết định xử phạt có hình thức tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính hoặc áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả để bảo vệ môi trường, bảo đảm giao thông, xây dựng, an ninh trật tự và an toàn xã hội.”

Khoản 2:

“Trong trường hợp cá nhân, tổ chức bị xử phạt cố tình trốn tránh, trì hoãn thì thời hiệu nói trên được tính kể từ thời điểm chấm dứt hành vi trốn tránh, trì hoãn.”

Nếu bạn cố tình trốn tránh hoặc trì hoãn không nộp phạt, thì thời hạn 1 năm sẽ không tính từ ngày ra quyết định nữa, mà sẽ được tính lại từ thời điểm bạn ngừng việc trốn tránh. Điều này có nghĩa là lỗi sẽ không tự “hết hạn” nếu bạn cố ý né tránh.

Ví dụ: bạn bị phạt nguội vào tháng 6/2023 và có quyết định xử phạt cùng tháng. Nếu bạn không nộp phạt và cũng không có hành vi trốn tránh, thì đến tháng 6/2024, quyết định xử phạt có thể hết hiệu lực. Nhưng nếu bạn cố tình không nhận thông báo hoặc chuyển nơi ở để né tránh, thì thời hạn sẽ kéo dài, và cơ quan chức năng có quyền xử lý bất cứ lúc nào sau khi bạn xuất hiện trở lại.

2. Phạt Nguội Có Xoá Sau Một Năm Không?

Câu trả lời là không. Nhiều người nghĩ rằng nếu không nộp phạt thì sau 1 năm lỗi vi phạm sẽ tự động bị xóa,nhưng thực tế không phải như vậy.

Luật quy định rằng thời hiệu thi hành quyết định xử phạt là 1 năm, nhưng chỉ hết hiệu lực nếu người vi phạm không cố tình trốn tránh hoặc trì hoãn việc nộp phạt. Nếu bạn cố ý không hợp tác, né tránh nhận thông báo, không đến làm việc với cơ quan chức năng, thì thời hạn 1 năm sẽ bị tính lại từ thời điểm bạn chấm dứt việc trốn tránh, chứ không phải đến hết 1 năm là “thoát”.

Ngoài ra, ngay cả trong trường hợp quyết định xử phạt đã quá 1 năm và không còn hiệu lực thi hành, lỗi vi phạm vẫn không bị “xóa” khỏi hệ thống. Cơ quan chức năng vẫn lưu thông tin vi phạm, và bạn có thể gặp nhiều rắc rối sau này, điển hình như:

  • Bị từ chối đăng kiểm xe do phương tiện đang bị cảnh báo trên hệ thống Cục Đăng kiểm.
  • Không thể sang tên, chuyển nhượng xe, vì chưa hoàn tất nghĩa vụ xử phạt.
  • Bị tính thêm lãi chậm nộp, mức 0,05% mỗi ngày nếu nộp muộn sau khi có quyết định (theo Nghị định 126/2020/NĐ-CP – áp dụng với các khoản nợ phạt hành chính).

Một số người vì không nhận được thông báo phạt nguội (ví dụ: chuyển nơi ở, mất liên lạc), nên không biết mình bị phạt. Trong trường hợp này, khi đi đăng kiểm mới phát hiện ra, họ vẫn phải nộp đầy đủ tiền phạt thì xe mới được kiểm định.

Nói cách khác: phạt nguội không tự biến mất, và không có chuyện “chờ qua 1 năm là xóa lỗi”. Cách tốt nhất là chủ động tra cứu và xử lý sớm, tránh để lỗi treo lâu ngày gây ảnh hưởng đến việc sử dụng xe hoặc phát sinh thêm chi phí.

Không Xử Lý Phạt Nguội Có Sao Không? Phạt Nguội Có Đăng Kiểm Được Không?

1. Không Xử Lý Phạt Nguội Có Sao Không?

Việc không xử lý lỗi phạt nguội tưởng chừng như “để đó không sao”, nhưng thực tế lại kéo theo rất nhiều rắc rối. Nếu bạn đã bị lập quyết định xử phạt mà không nộp phạt đúng hạn, thông tin vi phạm của bạn sẽ được cập nhật lên hệ thống dữ liệu quốc gia, và phương tiện sẽ bị đánh dấu là “chưa thi hành xử phạt”.

Hậu quả đầu tiên dễ thấy là bạn sẽ bị từ chối đăng kiểm xe, bởi các trung tâm đăng kiểm hiện nay đều kiểm tra dữ liệu phạt nguội trước khi tiếp nhận phương tiện. Ngoài ra, nếu xe bạn còn vướng lỗi chưa nộp phạt, bạn cũng sẽ gặp khó khi thực hiện các thủ tục sang tên, chuyển nhượng, cấp lại đăng ký xe – bởi những hồ sơ này sẽ không được giải quyết cho đến khi bạn hoàn tất nghĩa vụ xử phạt.

Không dừng lại ở đó, nếu bạn nộp phạt trễ so với thời hạn ghi trong quyết định xử phạt, thì theo quy định tại khoản 1 Điều 73 của Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012, bạn sẽ còn bị tính thêm tiền chậm nộp, với mức 0,05% mỗi ngày trên tổng số tiền phạt chưa nộp.

Cách tính lãi chậm nộp phạt nguội

Tổng tiền phạt x 0,05% x Số ngày trễ hạn = Số tiền lãi chậm nộp 

Ví dụ: Nếu bạn bị phạt 2.000.000 đồng và chậm nộp 10 ngày, số tiền lãi chậm nộp sẽ là:

2.000.000 x 0,0005 x 10 = 10.000 đồng

2. Phạt Nguội Có Đăng Kiểm Được Không?

Không, nếu bạn chưa nộp phạt nguội thì xe sẽ không được đăng kiểm.

Theo Nghị định 30/2023/NĐ-CP, tại Điều 27, khoản 8, điểm i, quy định rõ: trung tâm đăng kiểm chưa thực hiện kiểm định đối với các phương tiện không chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, hoặc quá thời hạn hẹn đến giải quyết vi phạm ghi trong biên bản, thông báo xử phạt mà chủ xe không đến làm việc, hoặc phương tiện bị cảnh báo trên hệ thống quản lý kiểm định.

Cụ thể, nội dung tại điểm i nêu rõ:

Chưa thực hiện kiểm định đối với các trường hợp không chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ; các trường hợp quá thời hạn hẹn đến giải quyết vụ việc vi phạm được ghi trong biên bản vi phạm hành chính hoặc văn bản thông báo của người có thẩm quyền xử phạt mà chủ phương tiện, người vi phạm không đến trụ sở của người có thẩm quyền để giải quyết, xử lý; các trường hợp bị cảnh báo trên Chương trình quản lý kiểm định. Sau khi chủ phương tiện, người vi phạm thực hiện các nghĩa vụ nêu trên thì được kiểm định theo quy định.

Nói cách khác, nếu bạn bị phạt nguội và chưa nộp phạt, hoặc không đến làm việc theo thời hạn trong thông báo, thì phương tiện sẽ bị từ chối đăng kiểm cho đến khi bạn hoàn tất nghĩa vụ xử phạt.

Vì vậy, trước khi đưa xe đi kiểm định, chủ xe nên chủ động tra cứu thông tin phạt nguội thông qua các kênh chính thức như website của Cục CSGT (https://www.csgt.vn/) để tránh mất thời gian và công sức do bị từ chối kiểm định.

3. Nộp Phạt Nguội Sau Bao Lâu Thì Được Đăng Kiểm?

Ngay sau khi bạn hoàn tất việc nộp phạt và cơ quan Công an cập nhật trạng thái xử lý vi phạm lên hệ thống, cảnh báo trên hệ thống đăng kiểm sẽ được gỡ bỏ, và bạn có thể đưa xe đi đăng kiểm bình thường.

Thời gian gỡ cảnh báo thường trong vòng 1–3 ngày làm việc kể từ lúc nộp phạt, nhưng cũng có thể nhanh hơn nếu bạn nộp đúng nơi ra quyết định xử phạt và mang đầy đủ giấy tờ.

Lưu ý: Nếu bạn nộp phạt tại nơi khác (không phải nơi ra quyết định), bạn nên liên hệ lại với cơ quan Công an nơi phát hiện vi phạm để họ xác nhận và cập nhật lên hệ thống, tránh bị chậm trễ đăng kiểm.

Trong trường hợp chủ xe đã nộp phạt nguội nhưng trên hệ thống tra cứu của Cục CSGT, Cục Đăng kiểm VN vẫn hiển thị “Chưa xử phạt” hoặc còn cảnh báo đăng kiểm thì làm thế nào để được đăng kiểm?

  • Trường hợp chủ xe còn giữ biên bản đã nộp phạt lỗi vi phạm, có thể mang giấy này đến trung tâm đăng kiểm xuất trình với đăng kiểm viên để được tiếp nhận, gỡ xóa cảnh báo trên chương trình quản lý kiểm định của Cục Đăng kiểm VN và được cơ sở đăng kiểm tiếp nhận xe kiểm định bình thường.
  •  Trường hợp chủ xe không có bản gốc, chỉ có bản ảnh chụp hoặc photo thì có thể liên hệ với cơ quan công an nơi nộp phạt nguội, đề nghị xóa lỗi phạt nguội vi phạm và chuyển trạng thái “Chưa xử phạt” sang “Đã xử phạt” trên trang thông tin tra cứu của Cục CSGT.

Viết một bình luận