Nhiều người thường hiểu nhầm rằng nếu bị “phạt nguội” thì sau 1 năm sẽ tự động được xóa khỏi hệ thống. Tuy nhiên, điều này không đúng.
Sự nhầm lẫn phổ biến đến từ việc không phân biệt rõ giữa thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính và thời gian xử lý phạt nguội.
1. Thời Hiệu Xử Phạt Là Gì?
Theo Điều 74 của Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012, được sửa đổi vào năm 2020:
“Thời hiệu thi hành quyết định xử phạt là 1 năm, kể từ ngày ra quyết định. Sau thời hạn này, quyết định không còn hiệu lực thi hành, trừ khi có các biện pháp đi kèm như tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm, hoặc xử lý để đảm bảo an toàn giao thông, môi trường, an ninh trật tự,…”
Điều này có nghĩa là: Sau khi có quyết định xử phạt, bạn có 12 tháng để thực hiện nghĩa vụ nộp phạt. Nếu quá thời hạn đó mà bạn vẫn chưa thực hiện, quyết định xử phạt sẽ hết hiệu lực – trừ những trường hợp đặc biệt nêu trên.
Lưu ý quan trọng: Thời hiệu không tính từ thời điểm vi phạm, mà tính từ ngày ra quyết định xử phạt.
2. Quy Trình Xử Lý Phạt Nguội Diễn Ra Như Thế Nào?
Để hiểu rõ hơn, hãy cùng xem các bước xử lý phạt nguội:
Bước 1: Ghi nhận vi phạm
Camera giao thông hoặc thiết bị giám sát ghi lại hành vi vi phạm (vượt đèn đỏ, chạy quá tốc độ, v.v…). CSGT sẽ kiểm tra, xác minh hình ảnh có đủ căn cứ xử phạt không.
Bước 2: Gửi giấy mời
CSGT gửi giấy mời người sở hữu phương tiện đến làm việc nhằm:
- Xác định rõ thời điểm vi phạm,
- Xác minh ai là người điều khiển xe lúc đó.
Bước 3: Lập biên bản và ra quyết định xử phạt
Tại buổi làm việc, bạn sẽ cung cấp giấy tờ liên quan, được nghe lập biên bản và nhận quyết định xử phạt. Đây là thời điểm bắt đầu tính thời hiệu 1 năm. Thường thì giấy tờ như bằng lái xe sẽ bị tạm giữ, và chỉ được trả lại sau khi bạn hoàn tất nghĩa vụ nộp phạt tại Kho bạc Nhà nước hoặc qua cổng thanh toán theo hướng dẫn.
Ví dụ thực tế:
Bạn bị ghi nhận lỗi phạt nguội vào tháng 7/2023 và sau đó đến làm việc, phối hợp xác định vi phạm để CSGT lập biên bản và quyết định xử phạt được ban hành trong vào tháng 08/2023. Thì đến tháng 08/2024, quyết định xử phạt sẽ hết hiệu lực. Tuy nhiên, để đảm bảo thi hành án phạt (nộp phạt), thường thì bạn sẽ bị CSGT tạm giữ bằng lái (hoặc bất kì giấy tờ khác) để đảm bảo nộp phạt, nên sẽ không có chuyện bạn có thể trốn tránh hoặc trì hoãn thi hành quyết định xử phạt.
Khoản 2 của Điều 74 cũng đồng thời quy định:
“Trong trường hợp người vi phạm cố tình trốn tránh hoặc trì hoãn việc thi hành quyết định xử phạt, thì thời hiệu trên sẽ được tính lại từ thời điểm hành vi trốn tránh hoặc trì hoãn chấm dứt.”
Nói cách khác, nếu bạn cố tình không tiếp nhận thông báo, không hợp tác, hoặc tránh né việc xử lý, thì thời hạn 1 năm sẽ không còn áp dụng từ ngày ra quyết định, mà sẽ được tính lại từ thời điểm bạn chấm dứt hành vi trốn tránh. Cơ quan chức năng có quyền xử lý vi phạm đó bất cứ lúc nào sau khi bạn “xuất hiện trở lại”.
3. Phạt Nguội Có Tự Động Xóa Sau 1 Năm Không?
Câu trả lời là không. Thời hiệu thi hành 01 năm chỉ áp dụng cho quyết định xử phạt vi phạm hành chính, không đồng nghĩa với việc lỗi phạt nguội sẽ tự động biến mất sau một năm. Quyết định xử phạt chỉ bắt đầu sau khi bạn làm việc với cơ quan CSGT, nhận biên bản vi phạm và nhận quyết định xử phạt hành chính.
Dưới đây là các tác hại nếu bạn nhận được giấy báo phạt nguội mà không đến cơ quan CSGT để xử lý:
- Lỗi vi phạm vẫn được lưu giữ trên hệ thống dữ liệu của cơ quan chức năng.
- Xe có thể bị cảnh báo trên hệ thống đăng kiểm, dẫn đến việc bị từ chối kiểm định định kỳ.
- Nếu bạn muốn chuyển nhượng hoặc sang tên phương tiện, hồ sơ vẫn có thể bị tạm giữ vì chưa hoàn tất nghĩa vụ xử phạt.
- Nếu vi phạm đã được cơ quan chức năng chuyển sang diện cưỡng chế, tiền phạt có thể bị cộng thêm lãi chậm nộp, với mức 0,05% mỗi ngày, căn cứ theo Nghị định 126/2020/NĐ-CP.